Diễn biến Chiến_dịch_phòng_ngự_hồ_Balaton

Giai đoạn phòng ngự

Hình ảnh
Bản đồ các cuộc tiến công của quân Đức ở vùng hồ Balaton tháng 3-1945
Quân Đức tấn công.

Hướng Gorjani - Mohács

Tướng Werner von Erdmansdorf, chỉ huy Quân đoàn bộ binh 91 (Đức) dành ra 2 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn cơ giới để tập trung tấn công vào Tập đoàn quân Nam Tư 3 đang phòng thủ trên hướng Gorjani - Batina, 2 sư đoàn còn lại tấn công Tập đoàn quân Bulgaria 1 và đặt tên cho hoạt động tấn công này là "Khu rừng ma quỷ". Cuộc tấn công của quân Đức mở màn vào mờ sáng ngày 6 tháng 3 năm 1945 tại khu vực do Tập đoàn quân Bulgaria 1 và Tập đoàn quân Nam Tư 3 trấn thủ ở nơi hợp lưu của sông Dravasông Danube. Quân đoàn số 91 (Đức) thuộc Cụm Tập đoàn quân E đã vượt sông Drava thành công và thiết lập được hai đầu cầu rộng 8 cây số và sâu 5 cây số. Đối phó lại, quân đội Liên Xô điều quân đoàn bộ binh số 133 đến khu vực này để tăng cường cho lực lượng phòng ngự.[21]

Nguyên soái F. I. Tolbukhin yêu cầu tướng Vladimir Stoychev sử dụng Quân đoàn bộ binh 133 do trung tướng Z. N. Alekseyev chỉ huy được tăng cường Sư đoàn súng cối cận vệ của Thiếu tướng P. A. Artyushchenko phòng thủ cứng rắn tại Harkány, giữ chặt bờ bắc sông Drava, phong tỏa mọi con đường dẫn đến thành phố Pécs, một trong các mục tiêu tấn công của Quân đoàn bộ binh 91 (Đức). Tướng Vladimir Stoychev hứa sẽ chặn đứng và đẩy lùi cuộc tấn công của quân Đức trong vòng từ 4 đến 5 ngày.[3] Tuy nhiên, cuộc chiến tại khu đầu cầu Harkány đã diễn ra rất ác liệt và kéo dài. Ngày 10 tháng 3, ngày đỉnh điểm của cuộc tấn công, hai bên đã tổ chức một trận không chiến lớn trên khu vực đầu cầu phía nam Harkán. Tập đoàn quân không quân 17 (Liên Xô) tung ra 16 chiếc cường kích IL-2 và 12 chiếc tiêm kích La-5. Quân Đức cũng huy động 20 chiếc Ju-87 và 15 chiếc Fw-190, sau khi đã trút hết bom vào các mục tiêu của cả hai bên, hơn 60 máy bay Liên Xô và Đức Quốc xã quần thảo trên vùng trời khu vực đầu cầu. Các binh sĩ Bulgaria lần đầu tiên được chứng kiến các máy bay Liên Xô sau khi bắn hết đạn đã đâm vào các máy bay Đức.[22]

Đến ngày 15 tháng 3, mặc dù phải dừng bước tại ngoại vi phía Nam Harkán nhưng Quân đoàn bộ binh 91 (Đức) vẫn giữ được khu đầu cầu. Ngày 16 tháng 3, Tập đoàn quân Bulgaria 1 và Quân đoàn bộ binh 133 (Liên Xô) phản công. Sau 6 ngày chiến đấu, liên quân Liên Xô - Bulgaria đã hất quân Đức trở lại bờ Nam sông Drava.[23] Tại khu vực phòng thủ của Tập đoàn quân Nam Tư 3, ngày 11 tháng 3, các sư đoàn cơ giới và bộ binh Đức cũng phải dừng bước tại tuyến phòng thủ của Quân đoàn bộ binh 12 (Nam Tư) và Sư đoàn bộ binh 122 (Liên Xô) trên khu vực Baran Petrovo Selo (Baranjsko Petrovo Selo). Mặc dù chỉ còn cách Batina gần 30 km nhưng quân Đức không thể tiến thêm được. Ngày 21 tháng 3, liên quân Nam Tư-Liên Xô mở cuộc phản công, hất Quân đoàn 91 (Đức) khỏi khu vực đầu cầu Szabolcs (Szaporca), buộc quân đoàn này phải rút về bờ nam sông Drava ngày 22 tháng 3 năm 1945. Kế hoạch "Khu rừng ma quỷ" của tướng Werner von Erdmansdorf phá sản.[24]

Hướng Nagybajom - Dombova (Dombovar)

7 giờ sáng ngày 6 tháng 3, sau một tiếng đồng hồ pháo kích và ném bom, Tướng Maximilian de Angelis, chỉ huy Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) tung một đòn công kích gồm 2 sư đoàn kỵ binh (13 SS và 118), 2 sư đoàn bộ binh (1 và 104) có sự yểm hộ của Lữ đoàn cơ giới 92 vào khu vực phòng ngự của Tập đoàn quân 57 (Liên Xô) tại khu vực Nagybajom. Sau hai ngày tấn công, quân Đức đã đục được một lỗ thủng trong khu vực này và tiến lên được 5 km.[1] Ngày 8 tháng 3, các sư đoàn kỵ binh thiết giáp và bộ binh Đức phải dừng lại trước tuyến phòng thủ chính của Tập đoàn quân 57 (Liên Xô) ở phía Tây Kaposhvar (Kaposvar) 15 km. Trong một tuần sau đó, các quân đoàn bộ binh 22 và 68 (Đức) đã cố sức công kích nhưng đều bị hỏa lực pháo binh của Tập đoàn quân 57 yểm hộ cho các quân đoàn bộ binh 64 và cận vệ 6 chặn lại. Đến ngày 14 tháng 3, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) đã mất sức tấn công và buộc phải chuyển sang trạng thái phòng ngự.[25] Trong các mũi tấn công của quân Đức tại khu vực Hồ Balaton trong mùa xuân 1945, đây là mũi tấn công đạt kết quả kém cỏi nhất và không đạt được mục tiêu chi viện cho mũi tấn công phía Nam của Quân đoàn bộ binh 91 (Đức). Mặc dù phải điều Quân đoàn bộ binh 133 đi chi viện cho các Tập đoàn quân Bulgaria 1 và Nam Tư 3, Tập đoàn quân 57 (Liên Xô) vẫn đủ sức chặn đứng cuộc tấn công của 5 sư đoàn và 1 lữ đoàn Đức.[26]

Hướng Székesfehérvár - Dunapentele

6 giờ sáng ngày 6 tháng 3, toàn bộ Quân đoàn xe tăng 3 và cánh phải của Quân đoàn kỵ binh 1 (Đức) chuyển sang tấn công vào Tập đoàn quân 27 (Liên Xô) đang bố trí phòng thủ trên địa đoạn dài 25 km từ kênh đào Sharviz đến phía Nam hồ Velence. Ngay trong ngày đầu tiên của cuộc tấn công, hơn 300 xe tăng cùng 2 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn kỵ binh (Đức) đã tập trung đột kích vào phòng tuyến của Quân đoàn bộ binh 30 (Liên Xô) tại khu vực phía Tây Serkerrastura (Sarszentagota). Mật độ xe tăng Đức đạt đến 50 chiếc/km chính diện. Sau hai ngày đầu tiên, Quân đoàn xe tăng 3 đã đánh bật Quân đoàn bộ binh 30 (Liên Xô) khỏi thị trấn Serkerrastura. Ngày 8 tháng 3, Quân đoàn xe tăng 2 SS sử dụng lực lượng xe tăng đông đến 60 chiếc/km chính diện đánh chiếm thị trấn Seregélyes và đẩy lùi Quân đoàn bộ binh cận vệ 35 (Liên Xô) lên phía Bắc. Ngày 9 tháng 3, nguyên soái F. I. Tolbukhin điều Quân đoàn xe tăng 23 từ Polmand (Pazmand) cơ động xuống phía Nam hồ Velence, phối hợp với Quân đoàn xe tăng 18 và Quân đoàn bộ binh cận vệ 35 giữ Adan (Adony) và Erszi (Ercsi), phòng thủ Tây Nam Budapest từ xa. Cùng ngày, Quân đoàn cơ giới cận vệ 1 được điều động từ Dunafyoldvar lên phía Đông Serkerrastura để chặn đứng nguy cơ quân Đức đột kích ra Dunapentele trên bờ sông Danube.[27] Vật cản chống tăng được bố trí dày đặc trên con đường nằm ở phía Đông của thị trấn Seregélyes, và các trung đoàn trang bị các siêu pháo tự hành chống tăng SU-100 cũng được điều đến đây. Sư đoàn đổ bộ đường không cận vệ số 3 thuộc Tập đoàn quân số 27 cũng được đưa đến gần Seregélyes.[11]

Ngày 13 tháng 3, hơn 50 xe tăng Đức tập trung đột phá khu vực phòng thủ của Sư đoàn bộ binh 78 (Quân đoàn cận vệ 35). Các pháo thủ chống tăng của Sư đoàn đã bắn gần như đến viên đạn cuối cùng. Giống như trong Chiến dịch Kursk, họ đã phải dùng đến các chai cháy để đốt phá các xe tăng Đức. Đến cuối ngày, Lữ đoàn xe tăng cận vệ 9 (Quân đoàn cơ giới cận vệ 1) và Lữ đoàn pháo tự hành 207 đã hành quân đến khu vực bị đột phá và triển khai trận phản đột kích. Quân Đức buộc phải rút lui sau khi để lại trên chiến trường 25 xác xe tăng. Tại khu vực của Quân đoàn bộ binh 37, đến ngày 14 tháng 3, Sư đoàn xe tăng 3 (Đức) đã không vượt qua được con đường sắt từ Erszi đi Shimontornia (Simontornia) sau khi bị mất hơn 40 xe tăng. Trên hướng này, Quân đoàn xe tăng 2 SS (Đức) chỉ đạt được chiều sâu chiến thuật khoảng 12 km và buộc phải dừng lại sau khi bị mất hơn 100 xe tăng.[28]

Hướng Polgarda (Polgardi)- Baija (Baja)

Đòn tấn công chính của quân Đức diễn ra ở khu vực trận tuyến giữa hồ Velence và hồ Balaton vào lúc 8 giờ sáng, 40 phút sau một trận pháo kích chuẩn bị kéo dài nửa tiếng. Song song với hướng tấn công của Quân đoàn xe tăng 3 (Đức), Tập đoàn quân xe tăng 6 SS và Tập đoàn quân 6 (Đức) sử dụng Quân đoàn xe tăng 1 SS, Quân đoàn xe tăng 4 SS và Quân đoàn xe tăng 3 mở một cuộc công kích dữ dội vào trận tuyến do Tập đoàn quân số 26 (Liên Xô) trấn thủ tại khu vực từ bờ Tây kênh đào Sharviz đến Sziofok (Siofok) ở bờ Nam hồ Balaton. 8 sư đoàn xe tăng, 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn kỵ binh (Đức) được tập trung tấn công trên một chính diện rộng 5 km, mật độ xe tăng và pháo tự hành lên tới 70 chiếc/km chính diện.

Trong một tuần đầu, Tập đoàn quân 26 (Liên Xô) chống đỡ rất khó khăn và lui dần trước sức tấn công của hơn 350 xe tăng và pháo tự hành Đức. Lần lượt các truyến phòng thủ vòng ngoài của Quân đoàn bộ binh 30, 104 và 135 đều bị xe tăng Đức tràn qua. Những trận chiến căng thẳng và quyết liệt tiếp tục diễn ra khi quân Đức tìm cách khoét sâu vào những chỗ yếu trong tuyến phòng ngự của phía Liên Xô, còn phía Liên Xô thì liên tục điều các đơn vị chống tăng dự trữ đến trám vào những khu vực bị đe dọa[1]. Diễn biến cuộc tấn công lên đến đỉnh điểm trong ngày 10 tháng 3 khi quân Đức tung ra các sư đoàn bộ binh 76 và 711 được yểm hộ bởi 170 xe tăng mở cuộc đội công dữ dội vào tuyến phòng thủ thứ hai của Tập đoàn quân 26 do Quân đoàn bộ binh 104 trấn giữ ở Deg. Ngày 11 tháng 3, quân Đức đánh chiếm Deg và bắt đầu dồn các quân đoàn bộ binh 104 và 135 về Simontornja. Ngày 12 tháng 3, Nguyên soái F. I. Tolbukhin tung Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 và Lữ đoàn pháo tự hành 208 trong lực lượng dự bị từ Dunafyoldvar lên tăng cường cho hướng Simontornja. Quân đoàn bộ binh 33 (Tập đoàn quân 27) cũng được điều động đến tham chiến để bịt cửa mở trong dải mặt trận của Tập đoàn quân 26, nơi hứng chịu những mũi đột kích xe tăng rất mạnh của Tập đoàn quân xe tăng 6 SS (Đức). Ngày 13 tháng 3, quân đội Liên Xô đã chặn đứng mũi tấn công của Đức tại Simontornja. Đây là mũi tiến quân sâu nhất của quân Đức trong toàn bộ chiến dịch, đạt chiều sâu 30 km nhưng không thể tiến xa hơn trước tuyến phòng ngự chiến thuật nhiều tầng, nhiều lớp của quân đội Liên Xô.[28]

Hoạt động của không quân

Để yểm hộ cho các trận đánh phòng ngự trên mặt đất, Tập đoàn quân không quân 17 (Liên Xô) đã tập trung toàn lực cho mặt trận hồ Balaton. Mặc dù quân Đức đã chiếm lại được sân bay Székesfehérvár nhưng các sư đoàn máy bay ném bom 244 và 262 đã biến sân bay này trở thành những đống đất và những hố sâu ngổn ngang đến mức không thể sử dụng được. Không quân Đức buộc phải sử dụng các sân bay ở Dier, Papa và Kapuvar, cách xa mặt trận từ 50 đến 100 km, bị giảm khá nhiều thời gian hoạt động trên không phận mặt trận. Trong ngày 8 tháng 3, ngày mà quân Đức tung ra hơn 350 xe tăng tấn công phòng tuyến của Tập đoàn quân 26, Sư đoàn không quân cường kích 306 đã tung ra toàn bộ số máy bay IL-2 và Tu-2 có trong tay vào các trận đánh giữa kênh đào Shavisz và kênh đào Sio. Trong trận này, chỉ riêng biên đội IL-2 do đại úy D. S. Egorkin chỉ huy đã phá huỷ 15 xe tăng Đức và bắn cháy 11 chiếc khác. Cũng trong ngày hôm đó. Sư đoàn không quân cường kích 139 cũng hỗ trợ đắc lực cho các trận đánh của Quân đoàn xe tăng 18 và Quân đoàn bộ binh cận vệ 35, chặn đứng đòn tấn công của hơn 200 xe tăng Đức tại khu vực phía nam hồ Velence.[29]

Không chỉ yểm hộ cho lực lượng mặt đất, các máy bay tiêm kích của các sư đoàn 194, 288 và 295 đã phong tỏa bầu trời khu vực tác chiến. Trong các trận chiến trên không nửa đầu tháng 3 ở khu vực hồ Balaton, các máy bay tiêm kích, cường kích của Tập đoàn quân không quân 4 (Đức) đã không thể yểm hộ có hiệu quả cho các cuộc tấn công trên mặt đất. Khó khăn của không quân Đức càng chồng chất thêm khi các sư đoàn máy bay ném bom của Tập đoàn quân không quân 5 thuộc Phương diện quân Ukraina 2 tham chiến. Các sư đoàn máy bay ném bom của Phương diện quân Ukraina 2 đã liên tục ném bom, bắn phá các sân bay trong hậu phương gần mặt trận của quân Đức. Trong những ngày cuối của chiến dịch, không quân Đức rất khó cất cánh để yểm hộ cho xe tăng và bộ binh trên chiến trường do không phận các sân bay đều bị không quân Liên Xô khống chế.[30]

Ngày 12 tháng 3, Sư đoàn cường kích 189 thuộc Quân đoàn không quân cường kích 10 tổ chức một trận oanh tạc lớn vào đội hình xe tăng của Tập đoàn quân xe tăng 6 SS (Đức) đang tiến qua Deg xuống phía Nam. Trung đoàn 639 huy động 15 chiếc IL-2, Trung đoàn 615 huy động 10 chiếc, Trung đoàn 707 huy động 14 chiếc. Các máy bay IL-2 bay thấp từ 100 đến 150 m trong sương mù đột ngột xuất hiện phía trên đội hình xe tăng Đức đang tiến xuống Shimontornja. Chỉ sau 20 phút oanh tạc, quân Đức đã bị mất 19 xe tăng, 27 xe bọc thép và 10 pháo tự hành. Khi các máy bay tiêm kích Me-109Fw-190 (Đức) kéo đến thì tốp IL-2 đã "biến mất", thay vào đó là hơn 40 máy bay tiêm kích Yak-3La-5. Không quân Đức chỉ hạ được 4 chiếc Yak-3, 2 chiếc La-5 và chịu mất 7 chiếc Me-109 cùng 3 chiếc Fw-190. Trong các ngày sau đó, không quân Liên Xô tiếp tục làm chủ bầu trời khu vực Balaton - Velence, góp phần chặn đứng cuộc tấn công của xe tăng Đức.[31]

"Không được kéo dài cuộc chiến"

Tại thời điểm gay go, căng thẳng nhất của chiến dịch, ngày 9 tháng 3, Nguyên soái F. I. Tolbukhin, tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3 đã thỉnh cầu Đại bản doanh cho phép dùng lực lượng dự trữ cho chiến dịch Viên là Tập đoàn quân cận vệ 9 vào chặn kích tại hồ Balaton.[14] Ông cũng đề nghị rằng trong trường hợp khẩn cấp, Đại bản doanh nên đồng ý cho dời sở chỉ huy Phương diện quân về bờ Đông sông Danube. Tuy nhiên Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin không chấp nhận và yêu cầu F. I. Tolbukhin tiếp tục bám trụ ở bờ Tây con sông:

Đồng chí Tolbukhin, nếu đồng chí cho rằng có thể kéo dài chiến tranh thêm 5 hay 6 tháng thì, dĩ nhiên, đồng chí có thể rút quân sang bên kia sông Danube. Ở đấy chắc chắn sẽ yên tĩnh hơn. Nhưng tôi cho rằng đồng chí sẽ không nghĩ như vậy. Vì vậy, cần phải trấn thủ ngay tại bờ phải con sông và đồng chí cùng với ban tham mưu phải có mặt tại đấy. Tôi chắc chắn rằng các binh sĩ sẽ cảm thấy vinh dự trước trách nhiệm hệ trọng của mình. Điều cần thiết duy nhất chỉ là hãy chỉ huy họ thật tốt.
— I. V. Stalin, [15]

I. V. Stalin cũng cho rằng cần phải tổng phản công ngay vừa khi quân Đức hụt hơi và dừng tấn công, không để cho phía Đức có cơ hội nghỉ ngơi và củng cố hệ thống phòng thủ. Để phục vụ cho mục tiêu này, Phương diện quân Ukraina 3 được phép sử dụng Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 được điều từ Phương diện quân Ukraina 2 trong trường hợp không đủ lực lượng cơ động đột kích. Không lâu sau đó, một chỉ thị từ Đại bản doanh gửi tới Phương diện quân Ukraina 3, yêu cầu Phương diện quân tiếp tục phòng ngự và tiêu hao mũi tiến công Đức, sau đó cánh phải của Phương diện quân sẽ tổ chức phản công. Bức điện của STAVKA nói rõ:

Trong các trận đánh phòng ngự, tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3 có nhiệm vụ đánh tiêu hao cánh quân xe tăng của địch ở khu vực Székesfehérvár, sau đó chậm nhất là ngày 15 hoặc 16 tháng 3 năm nay, cánh phải của Phương diện quân phải chuyển sang tấn công nhằm đánh tan quân địch ở phía Bắc hồ Balaton và phát triển đột kích theo hướng chung tới PápaSzopron. Không được dùng Tập đoàn quân cận vệ 9 vào chiến đấu phòng ngự mà phải dùng để phát triển đột kích và tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Phương diện quân Ukraina 2 phải phòng ngự quyết liệt ở phía Bắc sông Danube, sử dụng các đơn vị cánh trái, nơi tiếp giáp với cánh quân xung kích của F. I. Tolbukhin để tiến công vào Dier.
— STAVKA.[32]
Binh sĩ Đức đưa thương binh lên xe

Đúng như nhận định của STAVKA, Phương diện quân Ukraina 3 đã không cần điều Tập đoàn quân cận vệ 9 để chặn kích mà vẫn đứng vững. Sau mười ngày tiến công, mặc dù mũi tấn công của quân Đức đã tiến được 15-30 cây số, hỏa lực từ những hỏa điểm chống tăng dày đặc cùng hệ thống phòng tuyến nhiều tầng nhiều lớp và có chiều sâu của Liên Xô đã giáng cho quân Đức những tổn thất nặng nề. Kiệt quệ, mệt mỏi và gần như hết sạch lực lượng dự bị, Tập đoàn quân xe tăng 6 SS đã không còn khả năng đột phá đến sông Danube như dự kiến và ngày 15 tháng 3 đã phải dừng lại ở bờ bắc kênh đào Sharvisz cách sông Danube hơn 20 km. Tại phía Nam hồ Velence, Tập đoàn quân 6 (Đức) chỉ tiến lên được không quá 12 km cùng với những thiệt hại nặng nề về người và xe tăng. Quân đoàn bộ binh 91 tại khu hợp lưu sông Drava và sông Danube cũng không thể nào tiến tới mục tiêu Mohacs trước sức kháng cự dữ dội của quân đội Bulgaria và Nam Tư. Giống như những diễn biến ở Chiến dịch Thành Trì năm 1943, những thành quả chiến thuật trong mấy ngày đầu của quân đội Đức Quốc xã khá ấn tượng. Tuy nhiên, đến ngày thứ 10 của chiến dịch thì quân Đức đã bị tiêu hao nặng và hoàn toàn thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu chiến dịch. Phòng tuyến của phía Liên Xô bị cong đi một số đoạn, nhưng xét về toàn cục, họ vẫn đứng vững và không bị tan vỡ, trong khi đó các đơn vị dự bị dồi dào - để dành cho chiến dịch Viên - vẫn còn nguyên vẹn.[14]

Thượng tướng Heinz Guderian, lúc bấy giờ là Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Quốc xã, đã ghi nhận lại tình hình tuyệt vọng như sau:

Đến đây thì hy vọng thành công đã mất hết. Chỉ còn các sư đoàn SS là giữ được tinh thần chiến đấu cao. Dưới sự che chở của hàng rào xe tăng tổ chức phòng ngự cứng rắn, các sư đoàn buộc phải rút lui toàn bộ. Những sư đoàn này hầu như không còn có thể trông cậy được
— Heinz Guderian, [33]

Trong nhật ký của mình, Bộ trưởng tuyên truyền Đức Joseph Goebbels cũng chua chát nhận xét rằng sự thất bại của quân Đức gần như là chắc chắn.

Giai đoạn phản công, giải phóng Hungary

Quân đội Liên Xô phản công

Ngày 13 tháng 4, trinh sát quân Đức phát hiện ra một hoạt động chuyển quân cực lớn diễn ra ở hậu phương của Phương diện quân Ukraina 3. Ban đầu, phía Đức phỏng đoán đó chỉ là một hoạt động chuyển quân bình thường nhằm trám viện binh vào những lỗ hổng. Tuy nhiên, các tin tức thu thập được sau đó khiến người Đức nhận ra rằng một điều tồi tệ sắp xảy ra đối với các mũi tấn công của Cụm Tập đoàn quân Nam.

Các hoạt động chuyển quân (của quân đội Liên Xô) cho thấy hết sức rõ ràng về ý định của quân địch. Dữ liệu thu thập được của không quân trinh sát cho thấy một đoàn xe cơ giới đến 3.000 chiếc di chuyển từ phía hậu cứ ở khu vực Budapest theo hướng Zamol. Nhiệm vụ của chúng sẽ là phá hoại tuyến tiếp tế cho quân Đức, tiến ra theo hành lang hẹp ở Szekesfehervar và tấn công theo hướng hồ Balaton.
— Nhật ký chiến trường của Cụm Tập đoàn quân Nam ngày 14 tháng 3 năm 1945, [11]

Quả thật, từ ngày 14 đến ngày 16, trong khi chiến cục vẫn còn giằng co ở ngoài trận địa, 4 tập đoàn quân Liên Xô đã lặng lẽ tập hợp tại các vị trí xuất phát nằm ngay tại cạnh sườn và sau lưng của quân Đức. Ngày 16 tháng 3, đúng theo kế hoạch, quân đội Liên Xô tổng phản công, bắt đầu bởi các Tập đoàn quân số 46, cận vệ số 4 và số 9, và đến ngày 19 tháng 3 thì Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 6 cũng nối gót tham gia vào cuộc tấn công.[14] Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, quân Đức đã bị đánh lui về điểm xuất phát.[34] Tất cả những gì mà quân Đức giành được trong 10 ngày chiến đấu kịch liệt đã mất sạch. Trong vòng ít hôm sau đó, toàn bộ Phương diện quân Ukraina 2 và 3 đồng loạt phản công, và trước áp lực mạnh mẽ của hai phương diện quân Liên Xô, tinh thần và sức chiến đấu của quân Đức bắt đầu rạn vỡ. Tập đoàn quân xe tăng 6 SS (Đức) bị dồn vào eo đất hẹp giữa hồ Balaton và hồ Velence. Lợi dụng việc quân đội Liên Xô chưa kịp triển khai thế trận bao vây từ phía Đông hồ Velence và phía Tây hồ Balaton, tối 22 tháng 3 năm 1945, chủ lực Tập đoàn quân xe tăng 6 SS băng qua hành lang lửa đạn dọc theo 2 km ở bờ Bắc hồ Balaton và trốn thoát. Trong những ngày tiếp theo, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 chỉ có thể lợi dụng sự hỗn loạn trong tuyến phòng ngự của quân Đức đang tháo lui để tiếp tục khoét sâu vào trận địa của quân Đức mở ra những hướng tiến công mới đến phía Tây Hungary.[14]

Xe tăng và bộ binh Liên Xô phản công trong chiến dịch phòng ngự hồ Balaton, tháng 3 năm 1945

Trong thời gian đầu, các cuộc tấn công của quân đội Liên Xô không diễn ra hoàn toàn suôn sẻ. Địa hình phức tạp của khu vực - một nhân tố giúp cầm chân quân Đức trong giai đoạn phòng ngự - nay chuyển sang gây khó dễ cho quân đội Liên Xô[14]. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 (Liên Xô) phải mất ba ngày để tập kết tại phía Bắc hồ Velence và mất thêm 2 ngày để tiến hành các hoạt động trinh sát, nắm tình hình. Vì cuộc chiến còn có khả năng kéo dài nên các tư lệnh quân đoàn xe tăng của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 qua những kinh nghiệm xương máu của Chiến dịch Debrecen, không thể sử dụng xe tăng mà không trinh sát địa hình và địch tình. Đáng tiếc là dù cho đó là vấn đề kỹ thuật quân sự bắt buộc phải làm như vậy thì mỗi phút chậm trễ của quân đội Liên Xô đều có lợi cho quân Đức. Các đợt tấn công triển khai chậm đã không đạt kết quả hợp vây cánh quân xe tăng Đức. Tập đoàn quân xe tăng 6 SS (Đức) đã may mắn thoát khi họ sớm rút khỏi cuộc chiến bất chấp mệnh lệnh chống cự đến cùng của Hitler.[35]

Quân Đức sau nhiều ngày chiến đấu đã hao mòn, kiệt sức và không còn khả năng chống trả hữu hiệu trước đối thủ quá áp đảo về binh lực. Trong khi đó, các đợt tấn công của quân đội Liên Xô sau ít ngày khởi đầu chậm chạp đã bắt đầu tăng tốc: ngày 30 tháng 3 phương diện quân Ukraina 3 vượt biên giới Hungary tiến vào Áo. Ngày 20 tháng 3, Tập đoàn quân 46 (Liên Xô) đã bao vây và bắt làm tù binh hơn 20.000 quân Đức ở khu vực Esztergom - Komarno. Ngày 29 tháng 3, Phương diện quân Ukraina 3 giải phóng Szombathely và Kioseg (Koszeg). Ngày 1 tháng 4, quân đội Liên Xô giải phóng thành phố Wiener Neustadt trên đất Áo. Ngày 4 tháng 4, Quân đội Liên Xô tấn công Bratislava, toàn bộ lãnh thổ Hungary được giải phóng.[21] Cuối cùng, ngày 13 tháng 4 quân đội Liên Xô giải phóng Viên, đúng 3 ngày trước khi một trận cuồng phong nổi lên trên bờ sông Oder.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_ngự_hồ_Balaton http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/17va/05.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/11.htm... http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/index.... http://militera.lib.ru/memo/other/panchevsky_p/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/13.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/20.html http://militera.lib.ru/memo/russian/agafonov_vp/03...